(DNSG) - Nếu rất nhiều hòn đảo giữa biển khơi của Việt Nam đều được nhắc đến thì Hòn Hải lại bị lãng quên khi không xuất hiện trong bất cứ một tài liệu du lịch nào, trong khi đây thật sự là một kỳ quan giữa Biển Đông.
Hòn Hải còn được gọi là Hòn Khám (là điểm A6 đường cơ sở lãnh hải Việt Nam), là một khối đá khổng lồ mang hình chiếc hài, có tên trên bản đồ quốc tế với tên gọi Poulo Sapate. Hòn Hải nằm cách đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận (còn gọi là Cù lao Thu) khoảng 65km, có chiều dài khoảng 130m, chiều ngang chỗ rộng nhất khoảng 60m, điểm cao nhất 113m tính từ mặt biển.
Bao đời nay, ngư dân Cù lao Thu đã biết rõ Hòn Hải hoàn toàn khô cằn, không có nước ngọt, cây cối, nhưng lại là nơi trú ngụ của hàng vạn chim nhạn, mòng biển, bồ nông.
Vào tầm tháng 6, tháng 7 mùa chim đẻ, bề mặt đảo đặc nghẹt trứng chim và phủ một màu trắng phân chim. Những ai đã một lần đặt chân lên đảo hẳn sẽ ngẩn ngơ với khung cảnh kỳ ảo nơi đây. Qua bao thiên niên kỷ, gió và sóng biển bào mòn đá, tạo nên hàng vạn đường gờ uốn lượn nhấp nhô quanh đảo như một nét cọ mềm mại quét vội qua tấm toan.
< Hòn Hải nhìn từ xa.
Nhận thấy đây là nơi có vị trí trọng yếu về quốc phòng cũng như rất nguy hiểm cho tàu bè qua lại nếu không có hệ thống đèn cảnh báo, năm 1999, Bộ Quốc phòng đã xây dựng một hải đăng trên đảo.
Qua khảo sát, lực lượng công binh đánh giá quanh Hòn Hải toàn đá ngầm, quanh năm sóng lớn, có lúc sóng cao đến chục mét, mùa biển động kéo dài nhiều tháng, nắng thì chan lửa, mưa thì như thác đổ. Có lần đoàn khảo sát ra đến đảo nhưng không cập tàu được, phải quay lại đất liền.
Hòn Hải được hình thành từ núi lửa phun trào hàng triệu năm trước, phần dung nham gần mặt biển gặp nước, hóa đá rắn chắc còn phần trên cao thì xốp và mềm hơn, nên thường xuyên bị bào mòn, thường có đá rơi, đá lở, nhiều vách hụt.
Dulichgo
Chỉ sau 20 ngày đầu tiên xây dựng hải đăng đã có chiến sĩ hy sinh, hàng trăm tấn vật tư bị sóng cuốn xuống biển. Sau nhiều nỗ lực, đến cuối năm 2004, một hệ thống các công trình được lực lượng công binh hoàn thành gồm một căn nhà kiên cố dưới chân đảo có diện tích gần 300m2, bến cập tàu 380m2, hệ thống phao neo và bãi liền bến 423m2.
< Đường hầm xuyên núi đá cao 170m với 240 bậc.
Một trong những công trình độc đáo nhất tại đây là đường hầm xuyên lòng núi đá dài 170m với 4 cửa nối từ gần mặt biển lên mặt đảo. Hầm được gia cố bằng bê tông cốt thép chống đá rơi và dư chấn.
Cửa hầm nằm ở mặt sau của tòa nhà rồi kéo dài lên bề mặt đảo bằng 170 bậc thang. Từ miệng hầm đến mặt đảo có 240 bậc thang được đổ bê tông kiên cố nối lên chân ngọn hải đăng.
Ngọn hải đăng Hòn Hải giúp tàu thuyền hoạt động ngoài khơi tỉnh Bình Thuận định hướng và xác định vị trí với tầm nhận diện địa lý ban ngày là 26,5 hải lý, tầm chiếu sáng ban đêm là 24,5 hải lý. Hải đăng được đặt tại điểm cao nhất của đảo là 113m, chiều cao tính từ chân đến đỉnh đèn là 10,4m.
Đèn sử dụng pin năng lượng Mặt trời đảm bảo chiếu sáng liên tục. Bên cạnh đó là trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) của Viettel nối liên lạc với đất liền và tàu bè quanh đảo. Hiện nay, hải đăng Hòn Hải do Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ, trực thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam quản lý.
Anh Lê Ngọc Nam - phóng viên Tạp chí Biển chia sẻ: "Việc thiết lập và duy trì ngọn hải đăng thể hiện nghĩa vụ và quyền chủ quyền của các quốc gia có biển, giúp người đi biển xác định vị trí và phương hướng trên biển nhằm thiết lập một môi trường an toàn về hàng hải, thúc đẩy các ngành kinh tế biển Việt Nam phát triển".
Dulichgo
Vào những ngày biển lặng trời êm, Hòn Hải hiện lên sừng sững giữa biển khơi như một cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên Biển Đông.
Gian nan hành trình ra Hòn Hải
Ngay cả những người đã nhiều năm gắn bó với đèn biển và am hiểu các vùng biển Việt Nam, khi nhắc tới hải đăng Hòn Hải ai cũng phải lắc đầu vì sự cô đơn giữa muôn trùng biển khơi.
Sau một năm xin phép và chờ đợi để ra Hòn Hải, đến cuối tháng 7 thì cơ hội đến với tôi. Từ Sài Gòn tôi đón chuyến xe đêm ra Nha Trang để sáng hôm sau từ cảng Nha Trang lên con tàu tiếp tế 735 của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ, trực thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam ra Hòn Hải.
Chuyến hành trình 150 hải lý của tàu 735 lần này có hai nhiệm vụ: Đưa 5 thành viên ra thay ca trực ngọn hải đăng và chở lương thực, thực phẩm, nước ngọt đủ dùng trong 5 tháng cho các nhân viên trên Hòn Hải.
Tàu 735 mới rời bến được khoảng 2 giờ đồng hồ thì gió giật mạnh, sóng lớn lớp lớp nổi lên. Con tàu chòng chành, lầm lũi chồm về phía trước trong màn mưa trắng xóa càng lúc càng mạnh. Thuyền trưởng Tuấn và thủy thủ đoàn phải căng mắt theo dõi mọi tình huống có thể xảy ra để kịp thời xử lý.
Dulichgo
Gió càng lúc càng mạnh. Những con sóng đến 4 mét nhấc bổng con tàu lên cao rồi ném xuống mặt biển nhấp nhô như núi. Nhiều vật dụng trên tàu bung dây buộc, rơi vãi. Nước tạt tới tấp vào khoang lái. Thuyền trưởng Tuấn với 30 năm tuổi nghề của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ căng mắt chịu trận, khéo léo điều khiển con tàu vượt sóng.
Biển tiếp tục động mạnh, đêm đầu tiên tàu bắt buộc phải tránh bão ở Mũi Dinh. Hôm sau lại tiếp những giờ dài dặc mệt mỏi trên biển, quá trưa tàu mới đến đảo Phú Quý. Thuyền trưởng quyết định cho tàu tạm nghỉ, đợi đến khoảng 0 giờ, sóng lặng bớt lại vượt biển.
Vì quá mệt sau một ngày đêm bị say sóng nên tôi ngủ vùi lúc nào không biết. Bất chợt trong cơn mơ màng, nghe tiếng reo của các thủy thủ: "Đến Hòn Hải rồi!". Tôi bừng tỉnh, nhảy chồm dậy xách máy ảnh nhào ra boong tàu. Bầu trời một màu hồng tím kỳ ảo. Trong màn sương mờ đục ẩn hiện một bóng đen khổng lồ.
< Tàu cập đảo.
Cảm giác choáng ngợp xâm chiếm hồn tôi. Rồi từ từ sương tan, cả một khối đá khổng lồ lộ ra trước mắt. Quả là lạ lùng: Giữa một vùng biển không bến bờ lại có một khối đá sừng sững đơn côi, rợp trời nhạn biển chao liệng. Khung cảnh trước mắt như chỉ có trong truyện cổ tích.
Đúng 6 giờ tàu cập Hòn Hải - điểm A6 đường cơ sở lãnh hải Việt Nam. Dòng hải lưu chảy rất mạnh nên khi vận chuyển hàng hóa lên đảo, tàu phải neo đuôi, thắt chặt hai dây phía mũi và nổ máy, nhấn ga liên tục để không cho sóng đánh dạt ra biển.
< Từ miệng hầm đến bề mặt đảo có một hệ thống 240 bậc thang được đổ bê tông kiên cố nối lên tận chân hải đăng Hòn Hải.
Thuyền trưởng Tuấn ra lệnh mọi hàng hóa đưa lên đảo chỉ tối đa là trong vòng 2 tiếng đồng hồ để đảm bảo an toàn.
Dulichgo
Các thành viên thoăn thoắt vận chuyển lên bãi tập kết vật dụng, lương thực, nhu yếu phẩm và 100m3 nước ngọt. Do đảo là khối đá được hình thành từ núi lửa nên không có nước ngầm. Nước mưa cũng không thể sử dụng do phân chim dày đặc gây nhiễm khuẩn.
Năm 1999, lực lượng công binh bắt đầu xây dựng một số công trình trên đảo, gồm một căn nhà kiên cố dưới chân đảo, bến cập tàu rộng 380m2 có hệ thống phao neo và bãi liền bến 423m2. Để đảm bảo an toàn, các công trình phải đổ bê tông 100%, không sử dụng gạch, trên nóc nhà có nhiều bao tải đá dăm trộn cát để làm giảm áp lực trong trường hợp đá lở.
Sau 20 ngày xây dựng đã có tai nạn bi thương: Anh Nguyễn Văn Mộc (sinh năm 1956) thuộc Đoàn 6 Bộ tư lệnh Hải quân hy sinh do sóng bất ngờ cuốn xuống biển, không tìm được thi thể. Khi sắp hoàn thành công trình, anh Nguyễn Văn Nhắn thuộc Công ty Lũng Lô tử vong.
< Hệ thống năng lượng Mặt trời trên đảo.
Để tưởng nhớ các anh, đồng đội đã dựng lên hai ngôi mộ gió gần chóp đảo, như cách ngư dân vẫn làm để tưởng nhớ người thân mất khi đi biển mà không tìm được thi thể.
Vào mùa biển động, tàu không thể cập vào cầu tàu nên việc tiếp tế cho đảo vô cùng gian nan. Lương thực, thực phẩm, nước ngọt phải kéo bằng ròng rọc lên miệng hầm cách mặt biển khoảng 30m.
< Tháng 7 là mùa sinh nở của hàng vạn chú chim nhạn, mòng biển...
Năm 2005, sóng cao cả chục mét đánh dữ dội vào đảo, đá chân chim nặng từ 12-16 tấn/viên thả quanh đảo bị cuốn trôi sạch. Có một hòn đá 16 tấn bị sóng đưa từ dưới biển lên mặt sàn và nằm cố định từ đó đến nay do không ai đủ sức di chuyển.
< Lễ tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh.
Trò chuyện cùng tôi, anh Nguyễn Ngọc Ảnh - một người canh giữ ngọn hải đăng tâm sự: "Bốn tháng ở Hòn Hải là thử thách rất lớn với anh em. Ban ngày chúng tôi phải leo lên hải đăng để kiểm tra, tối đến ngủ tại chân ngọn đèn để đảm bảo đèn luôn chiếu sáng.
Dulichgo
Dù mưa gió bão bùng, công việc đều phải hoàn thành tốt. Bốn tháng trời chỉ quanh quẩn mấy amh em, bị cô lập hoàn toàn giữa trùng khơi nên ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý con người. Sau khi thay ca phải mất nhiều ngày anh em tôi mới thích nghi được với cuộc sống đất liền".
Vì tàu không ở được lâu nên anh Đỗ Công Tuấn - Trạm trưởng Trạm Hải đăng Hòn Hải phải nhanh chóng nhận bàn giao tài sản. Dù ở hải đảo xa xôi nhưng việc quản lý tài sản được mọi người thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Anh em canh đảo cho biết, ngư dân bất cứ ở đâu khi ngang qua Hòn Hải đều hướng về đảo cúi lạy cầu bình an vì họ cho rằng nơi đây rất linh thiêng.
Trước khi rời đảo, thuyền trưởng Tuấn tổ chức cúng và hóa vàng để tưởng nhớ những anh em vì biển đảo thiêng liêng của tổ quốc phải nằm lại dưới dòng nước lạnh lẽo.
Gần 9 giờ, tàu bắt đầu rời bến. Người trên bờ, người dưới tàu bùi ngùi vẫy tay tạm biệt. Bốn tháng sau sẽ lại có người ra đảo thay ca cho các anh, tiếp tục thắp sáng ngọn hải đăng trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo Quỷ Cốc Tử (Doanh Nhân SG), ảnh Reds.vn
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét