Tứ Kiệt là cách gọi tôn kính của nhân dân đối với bốn vị anh hùng lãnh đạo nhân dân chống Pháp từ năm 1868 – 1870. Ðó là các ông: Trần Công Thận, Nguyễn Thanh Long, Ngô Tấn Ðước và Trương Văn Rộng.
Tứ Kiệt chống Tây
Thời kỳ khẩn hoang và những năm thế kỷ XVIII, XIX, đầu thế kỷ XX, Đồng bằng sông Cửu Long về địa lý được phân chia thành hai khu vực: miệt Tiền Giang và miệt Hậu Giang. Các tỉnh thuộc miệt Tiền Giang gồm có Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An ngày nay. Các tỉnh thuộc miệt Hậu Giang nằm dọc bờ hữu ngạn sông Hậu đến giáp biển Tây (vịnh Thái Lan) gồm các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Sau khi Pháp chính thức nổ súng xâm lược nước ta năm 1858, phong trào chống Pháp nổi lên mạnh mẽ khắp nơi và những cuộc khởi nghĩa chống Pháp đầu tiên ở Nam bộ phần lớn diễn ra trên vùng đất Tiền Giang, như: khởi nghĩa Trương Định (Gò Công), Thủ Khoa Huân (Mỹ Tho), Võ Duy Dương (Đồng Tháp Mười)… về sau lan qua miệt Hậu Giang với Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang), Trần Văn Thành (An Giang), Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự (Cà Mau), Đinh Sâm (Cần Thơ)…
Dulichgo
Ở huyện Cai Lậy thuộc tỉnh Định Tường năm 1861 có "Tứ Kiệt" nổi lên khởi nghĩa đánh Tây quyết liệt và dũng cảm. Đó là những anh hùng nông dân chân đất đầu trần, xuất thân từ các đồn điền. Theo tiểu sử được ghi ở bia ký Lăng Tứ Kiệt, bốn ông gồm:
- Trần Công Thận:(? - 1871) tự là Phượng, người ở xóm Võng, làng Mỹ Trang, nay thuộc ấp Mỹ Phú, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ông là người chỉ huy, tổ chức cuộc nổi dậy, nên nhân dân gọi tôn là Ngươn soái Thận.
- Nguyễn Thanh Long: (1820 - 1871) còn gọi là Đề Long, người ở ấp Cẩm Hòa, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ông là người tham mưu, đề ra các kế sách cho nghĩa quân.
- Ngô Tấn Đước: (? - 1871) người ở xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
- Trương Văn Rộng: (? - 1871) người ở xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
"Tứ Kiệt", theo cách gọi dân gian là "Bốn Ông Cai Lậy", tham gia cuộc khởi nghĩa do Thiên Hộ Võ Duy Dương khởi xướng và lãnh đạo ở vùng Cai Lậy, Cái Bè, Thuộc Nhiêu, Đồng Tháp Mười… góp phần tạo nên những chiến thắng oai hùng. Trong những chiến công của nghĩa quân Tứ Kiệt, có hai trận đánh được xem là oanh liệt, tiêu biểu nhất. Đó là cuộc tấn công vào thành Mỹ Tho và trận thiêu hủy đồn Cai Lậy.
Do đã từng kinh qua chiến trận và rất có kinh nghiệm với lối đánh du kích, nên dù vũ trang thô sơ, Bốn Ông đã chủ động tấn công quân Pháp, làm cho chúng chịu nhiều tổn thất. Khuya 1-5-1868, nghĩa quân bí mật đột kích vào thành Mỹ Tho đốt kho lương, giết được một số tên giặc. Đêm Giáng sinh 24-12-1870 nghĩa quân tấn công, thiêu hủy đồn Cai Lậy và dinh Tham biện. Hai chiến thắng này giúp tiếng tăm nghĩa quân Tứ Kiệt ngày càng lừng lẫy, chiêu mộ thêm nhiều nghĩa sĩ, liên tiếp lập nhiều chiến công ở Mỹ Quí, Cái Bè và Thuộc Nhiêu…
Dulichgo
Cuộc khởi nghĩa của Tứ Kiệt về sau đành chịu thất bại trước sự bao vây và đàn áp dã man của quân xâm lược Pháp. Trong một trận càn quét quy mô có sự tham gia của Tổng Đốc Trần Bá Lộc, Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương - những tên tay sai cực kỳ gian ác và xảo quyệt, Tứ Kiệt cùng 150 nghĩa quân bị bắt.
Ngày 14-02-1871 (nhằm ngày 25 tháng Chạp năm Canh Ngọ), giặc đưa Tứ Kiệt ra pháp trường hành quyết, bêu đầu ở chợ Cai Lậy nhằm uy hiếp tinh thần của dân chúng, sau đó vùi dập ở bến sông cạnh chợ. Thân nhân gia đình chỉ mang thân mình các ông về quê nhà, gắn chiếc đầu giả làm bằng đất sét vào chôn cất.
Lăng Tứ Kiệt ngày nay
Kính phục, cảm kích trước sự hy sinh oanh liệt vì đất nước của bốn vị anh hùng, nhân dân Cai Lậy đã bí mật mang thủ cấp của bốn ông an táng và đắp mộ, hương khói trang nghiêm. Ban đầu, ngôi mộ bằng đất, xung quanh có hàng rào bằng cau sơn vôi trắng. Đến năm 1954, nhân dân Cai Lậy xây dựng lại ngôi miếu và bốn ngôi mộ tượng trưng bằng xi măng song song, gần sát nhau, xung quanh có hàng rào sắt kiên cố ngay trên mảnh đất cũ. Khu vực này gọi là lăng Tứ Kiệt. Năm 1967, nhân dân Cai Lậy tiến hành trùng tu ngôi miếu và khu mộ qui mô hơn, trong có miếu thờ ngoài có nhà khách. Huyền thoại về Bốn ông được lan truyền khắp Tiền Giang và các vùng phụ cận.
Lăng Tứ Kiệt hiện nay gồm hai phần:
Nhà tưởng niệm rộng hơn 100 mét vuông với 2 lớp mái cong chạm rồng. Bên trong nổi bật là 4 hàng cột đỡ mái với 16 cây cột chạm rồng tinh vi. Nhà tưởng niệm bày biện trang nghiêm với bàn thờ Tứ Kiệt anh linh, lư hương, bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa... Hai bên, ngoài hai giá binh khí xưa còn có cặp hạc cưỡi qui bằng gỗ, chạm tinh xảo.
Dulichgo
Nhà lăng phía sau chỉ có một lớp mái cong chạm rồng. Bên trong là 4 cây cột đỡ mái chạm rồng. Bốn ngôi mộ đều được dán bằng đá granite màu gạch tôm sẫm.
Tại Lăng Tứ Kiệt, hàng năm vào ngày 25 tháng Chạp âm lịch, nhân dân Cai Lậy tụ tập đông đúc tảo mộ và làm giỗ trang trọng, thành kính tưởng nhớ đến Tứ Kiệt vì nước quên mình, vì dân giết giặc, nêu tấm gương dũng liệt sáng ngời cho hậu thế. Năm 1998, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Tiền Giang kết hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cai Lậy trùng tu toàn diện khu lăng mộ Tứ Kiệt, tương xứng với tầm vóc và khí phách anh hùng của bốn ông đúng như hai câu đối được chạm khắc tại cổng:
Tứ vị anh hùng vị quốc hy sinh vĩnh niệm,
Kiệt nhân nghĩa cử tinh thần bất khuất lưu tồn.
Lăng Tứ Kiệt ở Cai Lậy (Tiền Giang) được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định 61 QĐ/BT ngày 13-9-1999.
Đến với Lăng Tứ Kiệt ở Cai Lậy, hiện tọa lạc tại đường 30-4, thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhân dân và khách tham quan sẽ cảm nhận được hào khí anh hùng, dấu xưa oanh liệt của những anh hùng nông dân bất khuất của đất Tiền Giang nói riêng, của Nam bộ nói chung trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược vào những năm giữa, cận cuối thế kỷ XIX.
Theo Anh Việt (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét