Đến núi Cấm (huyện Tịnh Biên), ngoài được tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như chùa Vạn Linh, điện Bồ Hông, hay thả mình vào những câu chuyện kỳ bí đầy màu sắc tâm linh, du khách còn được hòa mình vào nhịp sống êm ả của bà con qua phiên chợ gánh.
< Các bà, các chị gánh hàng lên núi Cấm.
Từ sáng sớm, những bạn hàng từ khắp nơi trên núi đã rủ nhau gánh hàng lên đỉnh núi cho kịp buổi chợ. Nhìn các bà, các chị ăn mặc đơn sơ, giản dị, ngồi quây quần giữa một không gian núi rừng trùng điệp, mặt nước hồ Thủy Liêm gợn sóng xanh rì, mọi người cảm nhận nơi đây như một bức tranh quê mộc mạc và hết sức thanh bình.
Theo lời kể của bà con, ngôi chợ lúc đầu chỉ có khoảng mươi người mua bán nông sản và gia cầm nuôi trên núi, lần hồi tăng lên vài chục gánh hàng bày bán đủ các loại, từ gạo muối, thịt cá, khô mắm cho đến trái cây, rau củ và đồ công nghệ phẩm. Mỗi người một ít, mang đến chợ, cứ bày ra, thuận mua vừa bán, không tranh giành cãi cọ như bất cứ nơi nào.
Dulichgo
Mặc dù là chợ quê, chợ núi với các loại hàng hóa nông sản nghèo nàn, đơn sơ, nhưng không khí mua bán thật rộn ràng, tấp nập vì đây là đầu mối giao lưu giữa các khu du lịch hành hương như Chùa Phật Lớn - Chùa Vạn Linh - Tượng Phật Di Lặc và điện Bồ Hong.
< Chợ gánh họp từ 8 – 11 giờ trưa.
Xung quanh khu vực này gồm nhiều ngôi chùa cổ kính, lâu đời nên bà con trên đỉnh núi gọi là chợ “Chùa”, có người còn gọi là chợ “chồm hổm” vì người bán tự gánh hàng đến bày ra dọc theo hai bên đường, hoàn toàn không có mái che, không có sạp, kệ. Hầu hết hàng hóa đều chất đống trên một tấm cao su hoặc ngay trên nền cỏ. Họ mua bán, và trao đổi hàng hóa với nhau trong vòng một tiếng đồng hồ là tan chợ. Sau đó, họ chia nhau mỗi người một ngả, tiếp tục gánh hàng đi khắp các ngõ ngách trên đỉnh núi bán dạo cho đến lúc xế bóng mới xuống núi về nhà.
Tuy là chợ chồm hổm nhưng những người mua bán rất chân tình, vui vẻ và cởi mở. Số người bán hàng hầu hết là bà con người Khmer sống dưới chân núi, còn người mua là khách hành hương và cư dân sống trên đỉnh núi chuyên sống bằng nghề đi rừng, hoặc làm dịch vụ du lịch.
Những người nhóm chợ đều là những người không có ruộng đất canh tác, quanh năm chỉ làm thuê gánh mướn trên núi Cấm. Hằng ngày, cứ sáng sớm là họ rủ nhau đi từng đoàn đưa hàng lên núi, người nào cũng gánh gồng và phải vượt qua hơn 5.000 mét đường đất đá ngoằn ngoèo mới tới nơi.
Dulichgo
Thuở đầu ngày chỉ có vài người gánh loại rau củ quả đi bán cho các hộ gia đình trên núi. Họ thường đi theo đoàn từ 4-5 người, bán đầy đủ các loại thực phẩm hàng ngày như rau, quả, thịt, cá. Khi đi bán ngang hồ Thủy Liêm, người gánh hàng hay nghỉ chân, người dân xung quanh thấy bán hàng nên đến mua. Ngày qua ngày, người mua càng nhiều, người bán cũng tăng lên, nên không biết tự bao giờ chợ được hình thành. Khi công trình tượng Phật Di Lặc hoàn thành vào năm 2006, nhà cửa đông đúc hơn, nơi đây thật sự trở thành chợ.
< Tan chợ, người bán gánh hàng bán quanh núi.
Hiện nay, trên núi có trên 50 bạn hàng. Tất cả đồ vật lỉnh kỉnh đều được đựng trong đôi quang gánh, bán đủ các loại từ thịt, cá, khô, rau, trái cây, gạo… Thực phẩm được đựng trong rổ, thúng bằng tre hoặc thau nhôm để gánh bằng 2 chiếc gióng.
Ngày nắng hay mưa, họ đều cặm cụi gánh hàng lên núi như những con ong cần mẫn và lúc nào cũng hy vọng mua may bán đắt. Công việc vất vả nhưng kiếm ra tiền. "Chúng tôi có thể tự xóa đói giảm nghèo và lo cho con cái ăn học nên ai nấy cũng cảm thấy vui”, chị Neang Sa Phan, một bạn hàng chuyên mua bán trái cây trên núi Cấm, cho biết.
Du lịch, GO! tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét