Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Về miền sơn cước Mã Đà

(DNSG) - Cách TP. Hồ Chí Minh 90km, rừng Mã Đà thuộc huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử mà còn hấp dẫn du khách bởi rừng nguyên sinh bạt ngàn và hồ Trị An với nhiều sản vật độc đáo. 

Khám phá thiên nhiên hoang sơ, đốt lửa trại, tận hưởng nồi lẩu rau rừng hay buổi hạ trại ven bờ hồ lộng gió… là những hoạt động đặc trưng thu hút du khách về với miền sơn cước Mã Đà.

Khởi hành từ buổi sáng sớm, men theo quốc lộ 1, đoàn chúng tôi rẽ trái ở ngã ba Trị An sang tỉnh lộ 767 đi Vĩnh Cửu. Đây là cung đường tuyệt đẹp dành cho những ai thích đi phượt bằng xe máy vì đường vắng, khá quanh co, đồi dốc… Một bên là sông Đồng Nai lộng gió mát, khung cảnh hữu tình, một bên là những cánh đồng xanh mướt và những ngọn đồi nhấp nhô. Cứ thế, bóng dáng nhà dân cứ xa dần.

Đến chốt kiểm lâm, chúng tôi đi vào cung đường xuyên rừng khó nhất để đến với rừng Mã Đà. Dù chỉ dài khoảng 10km, đây là đoạn đường thách thức kể cả những tay lái nhiều kinh nghiệm.

Con đường đỏ rực màu đặc trưng của đất đỏ miền Đông khá trơn trượt sau cơn mưa rừng tối qua. Vài đoạn, những vũng lầy đọng nước đỏ ngầu tung tóe khi đoàn xe chạy qua. Chúng tôi đi chậm, vừa đủ để ngắm rừng cây xanh và những bụi lồ ô khổng lồ ven đường, lâu lâu, xe phải dừng lại để dọn những chà tre khô chắn ngang. Đường vắng, cả đoàn thong dong nhưng đến nơi đã gần trưa.

Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai đón cả nhóm trong màu xanh ngút tầm mắt. Những cây cổ thụ mấy người ôm cùng dây leo chằng chịt thu hút mọi người chụp hình không ngơi tay.
Dulichgo
Rộng hơn 100 ngàn hécta với hơn 67 ngàn hécta đất rừng, 32 ngàn hécta mặt nước (hồ Trị An), khu bảo tồn này là nơi du khách có thể khám phá thiên nhiên hoang sơ của rừng Mã Đà và thăm thú các điểm di tích lịch sử như Trung tâm Sinh thái Văn hóa Lịch sử Chiến khu Đ, di tích căn cứ Khu ủy miền Đông…

Theo chân cán bộ kiểm lâm, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá rừng. Trời lúc này là giữa trưa nắng, thế nhưng cảm giác đi bộ giữa rừng thật mát mẻ và thơ mộng.

Rừng Mã Đà nổi tiếng là nơi cư trú của nhiều động vật hoang dã. Đoàn chúng tôi bắt gặp một đàn bướm vàng bay lượn trong không trung. Lâu lâu, mấy con sóc nhỏ tíu tít gọi nhau trên những tán cây. Đâu đó trong không gian xanh là tiếng hót lảnh lót của hàng chục loại chim trời, có con dạn dĩ xuống tận nơi đoàn đang dừng chân.

Càng đi, màu xanh của rừng càng khiến chúng tôi choáng ngợp. Không biết cơ man nào nhưng cây gõ đỏ, dầu, bằng lăng cao vút, bệ vệ giữa không trung. Đặc biệt nhất có lẽ là cây trung quân, loại cây có lá không bao giờ bị đốt cháy. Trên đường đi, mọi người còn hái được một số rau rừng như tàu bay, bìm bịp, chùm bao, chùm ngây, khổ qua rừng, bình bát…

Tại rừng Mã Đà, người ta có thể thưởng thức được hơn 40 loại rau rừng các loại, trong đó rau bìm bịp không chỉ ngon, ăn kèm các món lẩu mà còn được xem là một vị thuốc quý theo dân gian, có tác dụng chữa bệnh gút, giảm đau, hạ sốt, chống viêm. Tên rau bìm bịp có lẽ bắt nguồn từ câu chuyện kể về chim mẹ hái lá bìm bịp nhai nhỏ đắp lên vết thương cho những chú chim non.
Dulichgo
Đến với rừng Mã Đà, chúng tôi không thể bỏ qua những món đặc sản làm nên thương hiệu của khu bảo tồn này như tép um rau rừng, khô cá kìm bóp gỏi xoài, cá lăng nướng ăn kèm các loại rau rừng…

Đặc biệt nhất phải kể đến là món lẩu măng chua cá lăng – rau bìm bịp. Để chế biến món này, cá lăng vừa bắt trên hồ Trị An phải còn sống, bìm bịp phải là rau ngọn non vừa mới hái còn xanh um, khi ăn chỉ cần trụng qua nước đang sôi.

Dù được chế biến đơn giản, lẩu vẫn rất hấp dẫn du khách bởi thịt cá lăng tự nhiên săn chắc, ngọt thơm. Buổi tối, cả đoàn quây quần bên đống lửa trại tí tách, thưởng thức nổi lẩu cá lăng rau bìm bịp thơm lừng cùng với những món ăn đặc sản từ các loại rau rừng mà thấy ấm lòng.

Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi dành trọn thời gian thưởng ngoạn bình minh trên hồ Trị An. Ngoài khung cảnh nên thơ, tĩnh lặng, hồ Trị An là nơi du khách có thể trải nghiệm cảm giác trở thành ngư phủ khi được cùng ngư dân câu cá, thả lưới bắt tép, đánh cá trên hồ… Với dân thành phố, một bữa giăng lưới bắt tép nhẹ nhàng của ngư phủ cũng khiến cả đoàn mệt nhoài.

Bữa cơm trưa trên bè cá vì thế thật rôm rả và ngon miệng. Thú vị nhất có lẽ là việc thưởng thức những món ăn được chế biến từ cá cơm, cá lăng, cá lóc, cá hoàng đế… do chính tay mình đánh bắt.

Thời gian đẹp nhất để tham quan Khu bảo tồn và rừng Mã Đà thường từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau. Đây là khoảng thời gian không khí mát mẻ, khô ráo để du khách khám phá trọn vẹn những địa điểm thú vị tại đây. Đêm sẽ hơi lạnh nhưng bếp lửa luôn ấm và những câu chuyện, những món ngon ở rừng sẽ luôn độc đáo và hấp dẫn.

Theo Doanh Nhân Sàigòn
Du lịch, GO!

Thác Đồ Quyên giữa rừng Bạch Mã

Nằm giữa một miền Trung đầy nắng gió khô rát, núi Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) hiện lên với vẻ xanh mát, trong lành làm say đắm cả lòng người. Bạch Mã đẹp, nhưng không chỉ đẹp vì cảnh núi rừng biên biếc mà còn là vì có thác Đỗ Quyên - dòng thác cuộn chảy trong lòng ngọn núi tự bao đời nay.

Người ta thường nói, ai yêu sông suối, thác, ghềnh mà không một lần đến thăm Thác Đỗ Quyên trong rừng Bạch Mã, thì quả sẽ là một điều đáng tiếc vô cùng. Đỗ Quyên cao khoảng 300m, tuôn đổ dòng chảy ngày đêm theo bờ đá thật dốc, nổi bật giữa ngàn cây rừng, nơi có những cây đỗ quyên đến mùa xuân lại rộ hoa đỏ rực, làm cho cả một không gian thành bức tranh đẹp đến kỳ thú.

< Chặng đường đến thác lắm sỏi, nhiều suối.

Đường đến thác cũng lắm gian nan, ngoằn ngoèo. Xuôi dòng suối Yến, vượt qua vùng Ngũ Hồ huyền diệu của Vườn Quốc gia Bạch Mã, cuốc bộ thêm 45 hoặc 50 phút nữa, du khách mới chạm đỉnh ngọn thác Đỗ Quyên - tên một loài hoa rất đẹp và hiếm.

Con đường mòn quanh co và khá gập ghềnh, lúc vượt dốc, lúc lội suối… như thử thách đôi chân người lữ khách.

Dọc đường, mỗi loài cây, mỗi đoạn suối đều mang một vẻ đẹp rất riêng. Tuy vậy, đáng để ý hơn cả chính là những cây tùng Bạch Mã, cây chắp tay, cây sau sau hay cây dương xỉ thân gỗ. Với hình hài khác biệt của lá, những loài cây này không thể lẫn được mặc dù nhiều chỗ chúng mọc xen giữa nhiều loài cây lá rộng khác.
Dulichgo
Lội qua dòng nước chảy tràn trên bề mặt những phiến đá khổng lồ, nhẵn và trơn, con suối và đất đá dần biến mất nhường chỗ cho một không gian mây trời của ngọn thác.

< Trên đỉnh thác Đỗ Quyên.

Phóng tầm mắt sang sườn phía bên kia chỉ thấy một màu xanh mờ đục vì hơi nước bốc lên từ bề mặt lá dưới ánh nắng mặt trời trong một ngày không có gió. Ngay phía bên trái, như hút vào dưới tán cây rừng là con đường nhỏ dẫn xuống chân thác.

< Con thác cuộn chảy bên vách đá cheo leo.

Để xuống được chân thác, du khách phải di chuyển qua 689 bậc thang. Độ cao hạ thấp khá nhanh theo những bậc bê tông đưa du khách dần xuống phía dưới. Đường rợp mát vì tán cây rừng.

Những ngày có gió, việc đi xuống cốt làm sao giữ nhịp độ điều hòa và không bị chồn chân, nhưng vào những ngày nắng, không có gió thì thường phải nghỉ ít phút cho đỡ mỏi chân sau khoảng 80 đến 100 bậc.

< Cuồn cuộn thác nước giữa khung trời.

Những bậc thang cuối cùng sẽ đưa các bạn ra một không gian ồn ã nhưng huyền ảo.
Dulichgo
Từ vị trí này nhìn sang phía bên kia, rừng xanh tụt dần xuống lũng sâu nhưng kịp cũng kịp lộ ra nhiều thân cây gỗ màu mốc trắng giữa những tán lá đủ sắc màu. Ngước nhìn thật cao phía bên phải chợt sáng lòa: nước, bụi nước bắn tung sáng lấp lánh dưới ánh nắng.

Nước ào ào dội xuống vách đá dựng đứng cao tới 250m. Trong quá trình chuyển động, thỉnh thoảng gặp gờ đá nhô ra, dòng nước bật tung tạo nên những tinh thể nhỏ sáng như bông rơi xuống nhập vào dòng, rồi lại bật ra khi khi gặp gờ đá khác.

Nhìn từ xa dòng thác Đỗ Quyên khi ra hoa như là chiếc khăn màu đỏ thắm của một cô gái có mái tóc thật dài. Cứ xem dòng thác đang mùa hoa là chiếc khăn gió ấm cho những người giữ rừng vào cuối đông để thấy yêu thêm loài hoa và con thác đẹp này.

Quãng đường về vẫn là 689 bậc với độ chênh cao không quá 300m nhưng là một thử thách thực sự. Bạn hãy đi chậm, nghỉ và ngắm cây rừng. Những cảm xúc vừa có được cùng với những nét đẹp riêng và độc đáo của những loài cây khác nhau dọc ven đường sẽ làm với đi cái mệt nhọc và vơi đi độ chênh cao của mỗi bậc xi măng đá bạn bước qua.

Thác Đỗ Quyên với đẹp hoang sơ và hùng vĩ, bao lâu nay vẫn cuồn cuộn chảy trong lòng núi rừng Bạch Mã, vậy mà ít ai hay, cứ ngỡ đây là tên của loài hoa lặng thầm nào đấy. Đỗ Quyên không chỉ đứng một mình, bên nó là hoa, là đá, là nước, là mây trời và thấp thoáng dáng hình âm thầm của con người xứ Huế.

Theo Te Amo - Mytour.vn
Du lịch, GO!

Thác Đỗ Quyên trên núi rừng Bạch Mã

Bữa trưa bên bờ biển Đồng Châu

(TTO) - Bây giờ về Đồng Châu (Thái Bình), sẽ không còn thấy những bãi biển dài trong câu ca “Anh đi tắm mát” nữa. Cách bờ không xa, chòi nuôi ngao nhấp nhô trên sóng nước, rải rác vươn ra đến tận chân trời.

Bãi biển Đồng Châu không phải là một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng nhưng lại là nơi mà dân nhiếp ảnh phía Bắc khá ưa thích, cũng là một địa điểm khám phá thú vị phù hợp cho cuối tuần.
Để tắm biển, du khách sẽ tới với Cồn Đen, Cồn Vành, Cồn Thủ. Còn Đồng Châu và những chòi ngao kiêu hãnh trên biển sẽ chỉ dành làm kinh tế và chủ yếu làm cảm hứng cho dân nhiếp ảnh mà thôi.

< Trên bãi biển Đồng Châu.

Đến dải bờ biển thuộc địa phận xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, TP Thái Bình cách Hà Nội trên 100km, ngoài việc được thưởng ngoạn cánh đồng ngao mênh mang trong ánh bình minh, hoàng hôn, ngoài việc được khám phá cuộc sống bám biển của bà con, thì thưởng thức hải sản luôn là một tiêu chí quan trọng.
Dulichgo
Dọc theo bờ biển xã Đông Minh là một dãy quán xá nằm san sát trên đê biển. Có lẽ các hàng quán này sẽ luôn tấp nập vào cuối tuần, khi du khách từ nơi xa và từ chính địa phương tìm đến hít thở không gian mặn mà vị biển và tiệc tùng với những món ăn ngon lành cùng bạn bè.

Chúng tôi dừng xe vào một quán ăn ngay ngã ba đê, được anh bạn người Thái Bình giới thiệu trước. Mấy đứa trẻ tìm lối xuống tầng hầm để ra bờ cát trong khi mọi người ngồi chuyện vãn bên hàng lan can bằng tre nhìn thẳng ra biển chờ bữa trưa.
Nắng không quá gay gắt, nước cao và cát nâu mịn màng. Cách chân quán một quãng, người ta đang đổ đất cát làm bờ chắn, có lẽ nhằm mục đích nuôi trồng thủy sản hơn là để phục vụ du lịch.

< Tôm thẻ chiên giòn ăn với lá lốt sống.

Ngao đã thành đặc sản của vùng duyên hải Nam Định, Thái Bình. Nhưng bữa trưa Đồng Châu của chúng tôi không có loại ngao biển to như cái bát theo lời quảng cáo của người bạn ở Diêm Điền. Thay vào đó, tôi lần đầu tiên được thưởng thức món tôm thẻ chao ăn kèm lá lốt sống. Thoạt nhìn tưởng đơn giản, nhưng ăn rồi, mới thấy khá bất ngờ.

Đợi không lâu, chủ quán đã mang ra hai bát ngao hấp và rổ lá lốt. Ở quê tôi, lá lốt là nguyên liệu để cuốn chả cực ngon và hấp dẫn, không hiểu sao ở Đồng Châu lại mang lá lốt sống lên bàn ăn kèm với các loại rau sống khác. Thấy tôi tò mò, chủ quán bảo, để ăn kèm với món tôm thẻ chiên giòn, sẽ mang lên bây giờ.

Tôm thẻ chân trắng, loại vừa cỡ hai ngón tay, được sơ chế cắt bỏ phần vỏ tôm và ruột tôm trên đầu, giữ nguyên mắt, bóp chút gia vị cho vào chảo dầu nóng già chiên nhanh, lên đĩa vẫn còn bỏng tay. Chọn một lá lốt non, cuốn con tôm vào trong, cũng không cần thêm loại rau kèm nào, chấm với xì dầu mù tạt, đưa lên miệng và cảm giác thật ngỡ ngàng.

Về biển ăn tôm không phải là một lựa chọn gì đặc biệt, nhưng ăn lá lốt sống thì đây là lần đầu tiên tôi thử. Lá lốt vốn vẫn hay có mặt trong ẩm thực Việt với món bò lá lốt, chả viên, nấu ốc, hấp ngao... bổ máu, rất tốt cho sức khỏe, nhưng là lá lốt đã được cho lên chiên chín hay luộc mềm. Còn bây giờ, là những lá đơn xanh nõn hình tim, mặt lá láng bóng, có mùi thơm đặc sắc và vị cay nồng tan ra trên đầu lưỡi, quyện vào vị ngọt và giòn tan của tôm thẻ, lại thêm tí cay xộc của mù tạt...
Dulichgo
Tự nhiên món tôm chiên thông thường được nâng tầm lên độ cao khác biệt, khác hẳn với mấy món tôm hấp, tôm chiên hàng ngày dễ dàng được thưởng thức ở bất kỳ đâu. Mọi người thích thú chọn gói những con tôm thẻ đỏ au vào chiếc lá hình tim xinh xắn, một chút nước chấm rồi bỏ gọn vào trong miệng, nhai kỹ, và hít thở cảm nhận vị cay nồng, ấm áp của món ăn.

< Những chòi ngao trên bãi biển Đồng Châu.

Cảm giác e dè, tò mò ban đầu khi ăn lá lốt sống đã không còn, thay vào đó là sự thích thú, khoái khẩu. Chả thế mà, hai đĩa tôm thẻ chân trắng chiên giòn thoáng cái đã vơi đi hơn nửa, bụng đã no tròn trước khi kịp thưởng thức món cháo ngao.

Biển Đồng Châu sang chiều vắng vẻ. Đám trẻ ăn no lại thích thú xuống dưới gầm quán nghịch cát. Không gian tĩnh lặng, thanh bình. Bình trà nóng khiến câu chuyện trên bàn nước thêm phần rôm rả, nhất là khi tính chuyện ra chợ mua cá bống biển mang về làm quà. Chị chủ quán bảo, cá đồng ba sấp, cá biển sập sôi... mở ra một câu chuyện mới về cách nấu món cá.

Chiều đang rảo bước qua Đồng Châu...

Theo Thủy OCG (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Động Hoa Lư – Thắng cảnh đẹp Ninh Bình

Động Hoa Lư (còn có tên là thung Lau) ở xã Gia Hưng - Gia Viễn - Ninh Bình là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Động Hoa Lư là căn cứ đầu tiên của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh đối với sự nghiệp thống nhất giang sơn thế kỷ X. Động nằm cách Cố đô Hoa Lư khoảng 15km và thành phố Ninh Bình 20km đường bộ về phía Bắc.

Tuy được gọi là động nhưng di tích này là một thung lũng rộng khoảng 16 mẫu nằm lộ thiên được bao bọc bởi các ngọn núi vòng cung. Bốn bề động Hoa Lư được núi đá bao quanh vô cùng kiên cố, chỉ có một lối vào duy nhất là một quèn nhỏ cao khoảng 30m. Bao bên ngoài động là đầm Cút, dài khoảng 3 km rộng 500m, như con hào thiên nhiên chắn giữ, từ đây có thể tiến ra sông Đáy.

Cùng với cố đô Hoa Lư ở huyện Hoa Lư, các di tích động Hoa Lư, thung Lá, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh thuộc huyện Gia Viễn là những di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng.

Trong các di tích trên thì đền thung Lá đã được đầu tư xây dựng xong. Đây là nơi thờ thân mẫu của Đinh Bộ Lĩnh. Thung Lá ngay cạnh Thung Lau, cũng nằm lọt giữa thành núi cao ngất, tương truyền xưa kia có một nữ vương chuyên bói lá rất giỏi, thường xem lá cho Vua Đinh Tiên Hoàng trước khi xuất quân hay làm một việc gì đó. Nơi này cũng có nhiều cây thuốc chữa bệnh tốt nên khi nghĩa quân Vua Đinh bị thương đều được bí mật đưa về đây cứu chữa.
Dulichgo
Người ta cũng kể rằng, Thung Lá là vùng rừng linh thiêng nên mọi người đều vào đây thắp hương trước khi đi rừng. Thung Lá có đền thờ Mẫu hậu vua Đinh và thờ Vương bà bí ẩn đã có nhiều công lao giúp Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn. Giải thích vùng rừng thiêng nước độc này được Vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm căn cứ khởi nghiệp, những người am hiểu lịch sử Ninh Bình cho biết nơi này độc đạo, không thể vào sâu hơn và là nơi có nhiều huyền thoại bí hiểm, không ai dám vào để đảm bảo tuyệt mật về quân sự. Khu vực Thung Lau, Thung Lá được vua Đinh giấu một đội quân đặc biệt tinh nhuệ và khi cần thiết đưa ra giao chiến.

Nằm ở giữa động Hoa Lư là ngôi đền nhỏ 3 gian thờ vua Đinh Tiên Hoàng cùng với thánh Nguyễn Minh Không. Đền xây trên nền dinh luỹ xưa kia của ông. Theo truyền thuyết thuở nhỏ Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu cùng lũ trẻ ở đây thường bầy binh tập trận lây bông lau làm cờ. Lũ trẻ thường tôn Bộ Lĩnh làm chủ soái tổ chức nghi lễ đưa rước rất oai vệ. Trong dân địa phương còn truyền tụng câu ca:

Trần ai, ai biết, ai đâu
Hoa Lư có đám trẻ trâu anh hùng
Cờ lau tập trận vẫy vùng
Làm cho mầm Lạc, chồi Hồng vẻ vang.
Dulichgo
Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế. Định đô trên đất Hoa Lư, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, mở đầu triều đại nhà Đinh trong lịch sử Việt Nam. Hàng năm, dịp đầu xuân ở đây diễn ra lễ hội động Hoa Lư. Lễ hội tương đối giống lễ hội cố đô Hoa Lư nhưng có quy mô nhỏ hơn. Lễ hội động Hoa Lư còn diễn ra vào ngày 8 tháng 10 âm lịch hàng năm.

Theo Dulichvn.org.vn
Du lịch, GO!

Tôm tre An Nhơn: Đặc sản làng quê Bình Định

Đến với vùng đất Bình Định, Quê hương của anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, ngoài việc tham quan, tìm hiểu các danh thắng - di tích đặc trưng, du khách còn có thể khám phá những vùng đất mới còn hoang sơ mang những vẻ đẹp, đặc sắc riêng của Bình Định cũng như tìm hiểu giá trị lịch sử hàng ngàn năm của hệ thống Tháp Chăm nơi đây.

Một vấn đề mà du khách quan tâm không kém khi đến với Bình Định đó là đặc sản địa phương. Đa số du khách khi mua đặc sản nơi đây về làm quà cho người thân đều rất hài lòng vì giá cả vừa phải, còn chất lượng thì "không cần phải bàn". Đặc sản Bình Định rất đa dạng và phong phú, tuy nhiên những mặt hàng truyền thống, thủ công mỹ nghệ lại được du khách khá quan tâm. Nói đến đây thì không thể bỏ qua một đặc sản rất đặc biệt được làm từ cây tre, xuất phát từ ý tưởng của 1 nghệ nhân đến từ vùng đất An Nhơn - Bình Định.

Như chúng ta biết, từ ngàn xưa tre đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân, là biểu tượng của văn hóa làng xã Việt Nam. Rất nhiều các sản phẩm sinh hoạt hằng ngày của người dân Việt Nam đã được làm từ cây tre.

Không chỉ vậy, ngày nay, qua bàn tay khéo léo của người thợ thủ công tre đã trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sản phẩm con tôm làm bằng tre rất được du khách ưa thích, và đây cũng là ý tưởng độc đáo của Nghệ nhân Nguyễn Minh Châu (hay còn được gọi là ông Châu tôm).

Để hiểu thêm về sản phẩm độc đáo này, du khách đến số nhà 364 (số cũ) hay số 490 đường Ngô Gia Tự, Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bước vào ngôi nhà, du khách sẽ phải trầm trồ khen ngợi khi ngắm những chú tôm hùm "y như thật" được chủ nhân ngôi nhà treo dọc 2 bên tường.
Dulichgo
Năm nay gần 90 tuổi, nhưng người nghệ nhân có đôi bàn tay cực kỳ khéo léo với rất nhiều sản phẩm thủ công sáng tạo vẫn còn rất minh mẫn. Chia sẻ về nghề này, bác Châu cho biết: "trước khi tạo ra đặc sản tôm tre độc đáo, tôi còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm khác như: làm những chú chim sẻ từ bông gòn trông y như thật, hoặc đắp tranh nghệ thuật, sau này còn làm cua, cò bằng tre...

Dần dần những sản phẩm trên lỗi thời, tôi chuyển qua nghiên cứu những sản phẩm mỹ nghệ khác, và khi tình cờ khi thấy những khoanh tre ngẫu nhiên nằm cạnh nhau rất giống cái lưng của con tôm, ý tưởng làm tôm bằng tre xuất hiện".

Để có một mô hình tôm hùm tre sinh động như thế này, bác Châu đã đi nhiều nơi để quan sát con tôm hùm thật bơi trong nước, mọi hoạt động của nó được bác ghi nhớ, ghi chép kỹ lưỡng. Sau đó bác mua vài con tôm mẫu (loại tôm vỏ) về để xem cấu tạo ra sao, sau đó mới bắt tay vào làm tôm tre. Những con tôm đầu tiên có thành phần cấu tạo đa phần là tre. Tuy nhiên, theo thời gian, để đáp ứng thị hiếu của khách hàng cũng như giá cả phù hợp, bác Châu đã cho ra đời  những con tôm hùm to hơn, màu sắc đẹp hơn, nhưng đồng thời thành phần tre trong sản phẩm đã giảm xuống chỉ còn mức 50%.

Được biết rằng chỉ riêng công đoạn trang trí cho con tôm không thôi bác đã phải thử nghiệm qua hàng ngàn sản phẩm khác nhau. Nhìn những con tôm hùm sống động đang bò trên tường bác Châu tự hỏi mình "không biết tôm tre và tôm thật con nào thật hơn, đẹp hơn". Đến năm 1987, chính sản phẩm này đã mang lại cho bác Châu giải thưởng thủ công mỹ nghệ toàn quốc trong một dịp trưng bày tại một hội chợ ở Quảng Ngãi.
Dulichgo
Theo bác Châu: phần khó nhất của tôm là tạo dáng cong thật tự nhiên cho lưng tôm. Để làm được như vậy, cần chọn những khúc tre tròn, cưa xéo để chọn những khoanh có kích thước khác nhau, sau đó ghép lại theo thứ tự từ nhỏ đến lớn. Phần đuôi tôm là những miếng tre nhỏ, được chẻ mỏng, vuốt láng, xếp xòe ra.

Tuy nhiên khâu chọn và xử lý nguyên liệu vẫn là quan trọng nhất. Tre chọn xong sẽ được ngâm đủ 6 tháng liên tục trong ao. Sau đó cây tre sẽ được cưa ra làm nhiều đoạn, mỗi một đoạn lại được đem tẩm, nhuộm hóa chất.

Nhuộm xong, tất cả lại được đem phơi, sấy và được xông hóa chất chống mối mọt. Nguyên liệu hoàn thành sẽ được đánh số và chỉ được đưa vào sản xuất sau đó 6 tháng. Chính nhờ sự kỹ lưỡng này mà con tôm tre của bác Châu có tuổi thọ rất cao, đáp ứng được các điều kiện cơ lý khi gia công.

Giá mỗi cặp tôm hùm dao động từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng tùy theo kích thước sản phẩm. Con tôm hùm lớn nhất mà Bác Châu từng làm dài 750 mm, chưa tính bộ râu, 2 mắt của tôm là 2 bóng đèn chiếu sáng, tuy nhiên sản phẩm này hiện nay gia đình bác ít làm vì giá thành cao, làm rất kỳ công và kén khách.

Hiện nay sản phẩm Tôm tre của cơ sở bác Châu cung cấp lan tỏ khắp nơi trong và ngoài nước như: Đà Lạt, Nha trang, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Mỹ, các nước Đông Âu, Nhật Bản...Người dân Bình Định và du khách có thể dùng tôm tre như món quà tặng người thân nhân dịp tân gia, lễ, tết...Hy vọng với sự thân thuộc và thân thiện từ cây tre, sản phẩm Tôm tre sẽ được biết đến nhiều hơn nữa, như là một đặc sản đặc trưng của vùng đất Bình Định.

Theo Thông Tin Bình Định
Du lịch, GO!

Đi qua vùng đất thiêng của người Chăm

(DNSG) - Nằm yên bình bên bờ sông Hậu, thật dễ dàng để vào các làng Chăm ở An Giang. Dưới bóng những thánh đường, đằng sau những khung cửa sổ, giữa sặc sỡ những gam màu thổ cẩm, đôi mắt những cô gái Chăm vời vợi. Vùng đất linh thiêng này chứa đựng vô vàn điều lý thú.

Không phải là những cánh đồng mênh mang mùa nước nổi, hay cảm giác chông chênh trên chuyến phà ở đầu nguồn sông Hậu, Châu Giang trong tôi chỉ đơn giản là cảm giác linh thiêng khi ngồi dưới những thánh đường cao vút hình củ tỏi cùng những người đàn ông Chăm mặc váy, có nước da đen, luôn hồn hậu với khách.

Tôi không nhớ mình đã đến các làng Chăm ấy bao nhiêu lần, chỉ biết rằng, cứ mỗi mùa mưa, khi nghe tin nước nổi đang về, mình lại mê mải muốn trở lại Châu Giang, trở lại vùng đất linh thiêng chỉ để loanh quanh tìm kiếm những điều mơ hồ, kiểu như bàn tay thon dài người con gái Chăm chậm rãi kéo chiếc khăn trùm che kín đôi má hồng...

Nhớ cách đây mấy năm, có đận nước về nhiều, dâng cao chừng ba mét, nghe đài với tivi cứ ra rả suốt ngày mùa lũ năm nay bất thường, rằng có thể do biến đổi khí hậu toàn cầu, rằng dòng sông mẹ Mê Kông đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Dulichgo
Lúc ấy, ngồi cùng tôi bên bến phà Châu Giang bờ phải sông Hậu, trong căn nhà sàn gỗ bóng màu thời gian, ông Cả (người lớn tuổi, uy tín nhất ở làng Chăm) cười hề hề, bảo, chỉ có những ai chưa từng đến Châu Giang, chưa đặt chân tới đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu mới gọi nước nổi là nước lũ.

Cùng là nước mưa phía thượng nguồn đổ về hạ lưu sông nước ở các dòng sông khác có thể là những cơn lũ cuốn trôi tất cả, từ tài sản đến sinh mạng con người nếu bất cẩn, nhưng nước đổ về vùng đồng bằng Nam bộ lại hiền hòa, mang lại nguồn sống cho cư dân, như một đặc ân riêng biệt mà thiên nhiên dành cho vùng đất thấp này.

Vì thế, người dân mong chờ mùa nước nổi - một trong những mùa mưu sinh chính của người nghèo nơi đây với rất nhiều sản vật đặc trưng. Ngày nay, cuộc sống không còn phụ thuộc vào tự nhiên một cách thuần túy như xưa, nhưng đối với người Chăm nói riêng và cư dân châu thổ nói chung, mùa nước nổi vẫn là mùa được mong chờ, dù có thể ruộng vườn, nhà cửa đều chìm trong mênh mông nước là nước.

Theo dân Châu Giang, xóm người Chăm ở đây hiện có 10 nhà sàn bằng gỗ có tuổi vài trăm năm, có căn cách đây khoảng ba trăm năm, khi những người Chăm đầu tiên định cư ở vùng đất sơ khai này từ đời chúa Nguyễn Phúc Chu, năm 1699.

Ở những nơi cao ráo, nhiều căn nhà bằng gỗ quý không hư hỏng vài trăm năm là bình thường, nhưng ở vùng đất mà mỗi năm có tới 4 - 5 tháng chìm trong nước như Châu Giang thì việc chúng tồn tại lại là điều đặc biệt.
Dulichgo
Theo ông Cả, do nguyên liệu làm nhà là gỗ tràm cừ cổ thụ - loài cây mọc trong nước, chịu nước bao lâu cũng không mục - nên tuổi thọ nhà sàn của người Chăm mới cao như vậy. Bây giờ thì những cây tràm cả người ôm không còn nên làm nhà vài ba năm là phải thay cột kèo.

Có điều trái ngược là hầu hết nhà gỗ tràm của người Chăm đều cấu trúc đơn giản, ít họa tiết trang trí thì những thánh đường Hồi giáo (Masjid) - những kiến trúc công cộng độc đáo của người Chăm lại hoàn toàn ngược lại, vừa hoành tráng, vừa tỉ mỉ trong từng chi tiết trang trí.

An Giang có 9 xóm Chăm với hơn 2.000 gia đinh, trên 13 ngàn người sống tập trung thành những ấp hay liên ấp và có đến 26 thánh đường và tiểu thánh đường Hồi giáo cổ kính, đẹp lộng lẫy, nóc bằng vòm cao và cửa luôn quay về hướng Đông. Nổi tiếng nhất là thánh đường Mubarak ở xã Phú Hiệp, Phú Tân, được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Trong lịch sử mấy trăm năm, người Chăm luôn gìn giữ được những nét văn hóa độc đáo, trong đó có phong tục thủy táng, tức là mai táng người đã khuất ở dưới nước. Bây giờ, phong tục này tất nhiên không còn nữa, kể cả những người theo đạo Hồi ở dòng sông Hằng bên Ấn Độ linh thiêng.

Tuy nhiên, theo những người cao tuổi ở làng Chăm, tục thủy táng từng tồn tại hàng trăm năm trước ở vùng thượng nguồn này, đặc biệt là mỗi khi mùa nước nổi tràn về. Khi ấy, do cả vùng đất này ngập chìm trong mênh mang nước là nước. Vùng rốn nước có khi cách bờ cả chục cây số, ai qua đời trong những thời điểm ấy có thể được an táng bằng cách chôn trong nước, chìm vào dòng chảy mát lành của phù sa.
Dulichgo
Ngày nay, hầu hết những người theo đạo Hồi chỉ coi thủy táng là nghi lễ chứ không còn trong thực tế, vì ô nhiễm môi trường hay nhiều lý do khác.

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những gì lạ lùng tôi thấy ở các cộng đồng làng Chăm. Anh Mohamed từng có thời gian theo bạn lên Sài Gòn làm công nhân cho một chành (vựa) hành tỏi chuyến Châu Đốc - Sài Gòn ở Chợ Lớn mấy năm kể, dù xa nhà nhưng vẫn luôn nhớ những giới luật mình đã được dạy từ bé.

Nghĩa là mỗi ngày anh cũng hành lễ đến 5 lần. Vì không có thánh đường nên anh dùng mảnh vải thổ cẩm nhiều màu làm bàn lễ. Cứ hướng theo hướng Mặt trời trải thảm, rồi hành lễ. Ban đầu, chủ chành và các công nhân khác lấy làm lạ nhưng dần dà mọi người đều quen. "Người Chăm chúng tôi là vậy, dù ở đâu, làm gì thì cội nguồn vẫn là điều linh thiêng nhất", anh nhấn mạnh.

Ở một vùng đất có nhiều tín ngưỡng, nhiều dân tộc như vùng Châu Giang này nhưng thật lạ, văn hóa người Chăm ít bị mai một nhất. Nghĩa là sau mấy trăm năm, cộng đồng người Chăm - một cộng đồng vừa khép kín, vừa cởi mở với những quy định khắt khe của giới luật - luôn giữ được gần như nguyên vẹn những gì cha ông để lại, bất kể cuộc sống gia đình họ có thể giàu lên hay nghèo đi, có thể ở đây hay đã tìm tới một vùng đất khác...

Theo Đoàn Đại Trí (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!

Làng Chăm ở búng Bình Thiên
Trở lại Châu Giang
Về Châu Giang thăm thánh đường Mubarak

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Thác Ồ Ồ - Tiên Châu

Thác Ồ Ồ (có tên gọi khác là suối Ồ) là một trong những thác nước đẹp tại xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Đây là một địa điểm rất có tìm năng phát triển du lịch sinh thái

Bắt nguồn từ vùng rừng núi cao Tiên Phước, dòng nước mát lạnh tạo nên con suối Ồ chảy len lõi qua các khe đá, tán rừng xuống vùng đồng bằng... rồi khi vượt qua những ghềnh đá, nước đổ ầm biến thành con thác Ồ với những 5 tầng (trong mùa mưa). Nơi dòng thác đổ xuống từ những phiến đá khổng lồ là một hồ nước trong vắt, mát lạnh... chỉ chực chờ bạn đến và ngâm mình trong dòng nước mát giải nhiệt khi vào hè.

Thác Ồ Ồ ít được khách phương xa biết đến nhưng ở địa phương: nhiều bạn sinh viên, các nhóm phượt vẫn hay tới đây dã ngoại vào những dịp hè. Nhiều bạn cho biết: mùa hè nóng bức thật nhưng khi tắm dưới dòng thác Ồ, nhiều lúc cứ tưởng như mùa đông lạnh tím môi vì những luồng gió mát lạnh thổi từ các vạt rừng, triền đồi xung quanh.
Dulichgo
Đối với những bạn thích chụp ảnh thì đây là địa điểm tuyệt vời vì xung quanh dòng suối - thác là vô số những tảng đá lớn sẽ là background tuyệt đẹp cho bức ảnh của bạn.

Để lên đến thác Ồ, bạn đến Huyện Tiên Phước rồi hỏi đường về xã Tiên Châu. Từ đây, bạn có thể hỏi dân địa phương đường về suối Ồ hay thác Ồ Ồ thì người dân sẽ hướng dẫn bạn đường đi cụ thể hơn.

Từ tháng 5 đến tháng 7 là thời gian thích hợp để bạn phượt đến các vùng núi ở Quảng Nam vì thời gian này, mùa hè ở đây nắng nóng, khô ráo nên đường đi dễ dàng hơn, nếu bạn đi vào mùa mưa thì thác sẽ đẹp hơn nhưng đường sẽ khó đi hơn - khó hơn nhưng không quá lầy lội đâu bạn nhé.

Ngồi ven dòng thác Ồ, nghe tiếng nước chảy ồ ồ giữa một không gian hoang dã và nguyên sơ càng làm tăng thêm phần hứng khích để du khách khám phá vùng đất và con người nơi đây. Đứng trước vẻ đẹp hoang sơ nhưng không kém phần hấp dẫn của 5 tầng thác Ồ Ồ hùng vĩ, được hoà mình trong dòng nước mát của núi rừng, hay một buổi tiệc nhỏ trên đỉnh thác Ồ Ồ thì không còn gì thích thú bằng. Có lẽ vì thế, mà không biết tự bao giờ, Ồ Ồ Tiên Châu đã trở thành 'danh thắng' trong lòng người dân Tiên Phước.
Dulichgo
Lưu ý: khu vực hoang sơ, mong rằng bạn chỉ lấy đi những tấm ảnh và chỉ để lại những dấu chân, bạn nhé.

Du lịch, GO! tổng hợp từ rất nhiều nguồn thông tin.



Hoang sơ thác Ồ (thác khác, cũng ở Quảng Nam)