(BTT) - Tỉnh Quảng Ngãi có nhiều bãi biển sạch, đẹp, có nhiều tiềm năng để phát triển thành khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn, đó là các bãi biển Khe Hai, Nho Na, An Cường, Thanh Thủy (huyện Bình Sơn); Mỹ Khê (TP Quảng Ngãi), Minh Tân (Mộ Đức), Sa Huỳnh (Đức Phổ).
Bên cạnh đó, tại huyện đảo Lý Sơn cũng có một số bãi biển rất sạch đẹp, du khách đã đến một lần khó quên như bãi biển phía đông đảo (đảo Lớn) và bãi biển quanh đảo Bé (xã An Bình). Những bãi biển trên đã và đang trở thành thương hiệu du lịch biển - đảo của Quảng Ngãi.
Bãi biển Mỹ Khê (TP Quảng Ngãi) trước đây thuộc thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh; từ tháng 4/2014 được nhập vào TP Quảng Ngãi, cách trung tâm TP Quảng Ngãi 14 km về phía đông - bắc. Đây là bãi tắm lý tưởng chạy dài 7 km, với không gian mênh mông, bãi cát mịn, thoai thoải, được che chắn kín đáo, phía sau là rừng dương xanh thẳm, bên cạnh là con sông Kinh - rừng dừa nước huyền thoại, trong những năm chiến tranh là căn cứ địa cách mạng của cán bộ, du kích của huyện và xã Tịnh Khê.
Dulichgo
Hiện nay tỉnh Quảng Ngãi đã có qui hoạch tổng thể khu du lịch Mỹ Khê với diện tích 342 ha để xây dựng các khu vui chơi, giải trí và nghỉ ngơi như khách sạn Mỹ Khê, khu dành làm nơi cắm trại…
Còn bãi biển Sa Huỳnh nằm ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc xã Phổ Thạnh và Phổ Châu, huyện Đức Phổ, cách TP Quảng Ngãi 60 km về phía Nam. Địa danh Sa Huỳnh xa xưa người dân nơi đây gọi là Sa Hoàng, có nghĩa là cát vàng. Thật vậy, màu cát ở đây không trắng như ở nơi khác mà lại có màu vàng óng ánh thật đẹp. Sở dĩ, phải viết thành Sa Huỳnh, vì chữ “Hoàng” trùng tên Chúa Nguyễn Hoàng thời Nguyễn.
Sa Huỳnh là bãi biển sạch đẹp vào bậc nhất tỉnh, nơi đây còn nổi tiếng là vựa muối quan trọng không những của tỉnh Quảng Ngãi, mà của cả miền Trung. Lâu nay, Sa Huỳnh được biết đến là di chỉ khảo cổ học với “Văn hóa Sa Huỳnh”, bãi biển này nằm sát quốc lộ 1A. Bãi biển rất thuận tiện cho du khách đến nghỉ ngơi, tham quan, những năm gần đây mới được xây dựng nhiều nhà nghỉ, khách sạn để du khách dừng chân nghỉ rồi tiếp tục hành trình trên chặng đường từ Bắc vào Nam hay ngược lại.
Biển Khe Hai hay còn gọi là biển Thiên Đàng, thuộc xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, cách TP Quảng Ngãi 35 km về phía bắc, tiếp giáp với biển Rạng (Quảng Nam). Bãi biển Khe Hai có bãi cát trắng mịn, rặng phi lao ngút ngàn bên bờ biển xanh. Phía tây có dãy Bàn Than chạy dài từ bờ rồi lấn ra biển tạo thành một vòng cung. Phía đông sát bờ biển có ốc đảo Hòn Ông, Hòn Trà. Với hai địa danh này, du khách có thể lên thuyền đến Hòn Trà, Hòn Ông khám phá những hang động kỳ thú, hoặc men theo bãi đá ngầm bắt ốc đụn, câu cá, vui chơi thoải mái suốt ngày không chán.
Đi về phía nam dọc xã Bình Trị, Bình Châu có vịnh Nho Na xinh đẹp và một vùng biển còn hoang sơ với tên gọi Thanh Thủy, Lệ Thủy, An Cường, mũi Ba Làng An và vịnh Mỹ Hàn với làn nước xanh biếc, sóng nhẹ êm và rất nhiều bãi cát vàng óng ánh, đây là những bãi biển du khách đến tắm biển tuyệt vời của huyện Bình Sơn.
Dulichgo
Ngoài những bãi biển tuyệt đẹp ven bờ, du khách có thể đi tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ đến thăm đảo Lý Sơn - một huyện đảo đang “hot” nhất hiện nay. Đến với Lý Sơn, ngoài việc đi tắm biển tại các bãi biển phía đông đảo (xã An Hải) hoặc đi tàu ra đảo Bé (xã An Bình) cách đảo lớn khoảng 3 hải lý, du khách còn được đắm mình trong những thắng cảnh đẹp nguyên sơ, bãi biển trong xanh khó có nơi nào sánh được, nhất là mùa hè du khách xuống tắm nhìn những đàn cá bơi trong làn nước xanh, những rặng san hô tuyệt đẹp.
Du khách còn đi tham quan các danh lam thắng cảnh như chùa Hang 300 tuổi, chùa Đục nằm dưới chân miệng núi lửa, tượng Phật bà cao 27 m nhìn ra đảo Bé, và cả những kiến trúc cổ độc đáo ở đền thờ Lăng Chánh, đình làng An Hải, đình làng An Vĩnh - với hàng trăm năm nay người dân Lý Sơn hàng năm vẫn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa; đến “mục sở thị” cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Thới Lới sẽ nhìn tổng quát cả đảo Lý Sơn với các làng quê và các cánh đồng trồng hành, tỏi của “Vương quốc tỏi”; thăm hàng chục ngôi nhà cổ; thăm tượng đài và nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc hải ngay tại Trung tâm huyện…
Lễ hội điện Trường Bà ở Trà Bông
Di tích điện Trường Bà (huyện Trà Bông, Quảng Ngãi) nằm cách thành phố Quảng Ngãi 52 km về phía tây - bắc, gắn liền với quá trình tụ cư lập nghiệp của người Việt trong buổi đầu đi mở đất ở phía nam. Năm 1993, di tích này được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đến đầu tháng 5/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Hàng năm vào ngày 15 - 17/4 âm lịch, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ hội điện Trường Bà. Đây là lễ thức tích hợp văn hóa từ nhiều nguồn văn hóa Việt, Chămpa, Hoa, Cor và các dân tộc thiểu số khác, trong đó văn hóa Việt là cốt lõi. Lễ hội thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc tạo sự đoàn kết dân tộc, có giá trị nâng cao nhận thức về giáo dục, đạo đức và thẩm mỹ đối với các tầng lớp nhân dân ở nhiều vùng miền đất nước.
Dulichgo
Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc, thể hiện lòng thờ kính, biết ơn đối với Thánh mẫu Thiên Y-A-Na và các vị thần khác được nhân dân địa phương thờ phụng từ hàng trăm năm nay. Các hoạt động chính của lễ hội điện Trường Bà được tổ chức vào đúng ngày 16/4 âm lịch. Đây được gọi là lễ Lệ xuân Trường Bà - một trong hai lễ hội được tổ chức tại điện Trường Bà hàng năm. Lễ hội được tổ chức thành nhiều phần khác nhau chủ yếu gồm: Lễ Mộc Dục, lễ tế ngoại đàn, lễ hội hiến trâu, cồng chiêng, múa Cadháu (cà đáo), lễ chánh tế, lễ hội Hoa đăng, và phần hội với nhiều hoạt động dân gian mang tính đặc trưng riêng như: Biểu diễn võ thuật, cồng chiêng các dân tộc; diễn tuồng, hát bộ, bài chòi, thi đấu cờ người, múa lân, thi đấu bóng chuyền, hát dân ca địa phương, đi cà kheo, kéo co; biểu diễn hát bá trạo, tuồng…
Trong các hoạt động lễ hội tại điện Trường Bà còn thể hiện sự giao thoa văn hóa đậm nét giữa các dân tộc anh em nhất là giữa đồng bào Cor và Kinh. Nếu như lễ tế ngoại đàn, chánh tế thể hiện văn hóa của người Việt, thì lễ hiến trâu, múa cồng chiêng… mang nét đặc trưng của đồng bào Cor. Không chỉ vậy, phần nghi thức được thực thi trong lễ hội và các vật phẩm cống lễ cũng mang âm hưởng văn hóa của một số dân tộc anh em khác trong vùng...
Bốn đặc sản xứ Quảng
Tỉnh Quảng Ngãi có 4 đặc sản của tỉnh được xác lập Kỷ lục Việt Nam, gồm cá bống sông Trà, don, kẹo gương và quế Trà Bồng. Đồng thời, cá bống sông Trà và món don cũng được lọt vào tốp 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam; kẹo gương là một trong 10 đặc sản kẹo nổi tiếng Việt Nam và quế Trà Bồng có mặt trong tốp 10 đặc sản thiên nhiên nổi tiếng Việt Nam.
Cá bống sông Trà ngon nhất vào mùa hè, ngư dân thường bắt cá bống bằng ống trống (ống tre dài khoảng 1 m, trống hai đầu, dùng một cọc nhọn cắm xuống nước). Muốn kho cá thật ngon thì con cá phải còn sống và sử dụng những đặc sản đúng hương vị xứ Quảng. Sau khi kho, cá có vị cay cay mặn mặn của gia vị, thơm dai của thịt cá.
Dulichgo
Quế Trà Bồng có lượng tinh dầu cao và mùi hương đặc biệt. Các tài liệu khoa học đã chứng minh giá trị y học rất cao của quế Trà Bồng khi sử dụng làm gia vị, hương liệu hoặc chiết xuất để lấy tinh dầu. Đặc biệt, có thể sử dụng vỏ quế, gỗ quế và lá quế làm nên các sản phẩm độc đáo, được thị trường ưa chuộng.
Đặc sản kẹo gương lại trong như pha lê, đẹp như bức tranh tĩnh vật với màu vàng ươm của đậu phụng, trắng vàng của mè và mong manh như tấm gương dễ vỡ.
Còn don là một trong những món ăn rất độc đáo của người Quảng Ngãi, nhẹ, mát, bổ, rẻ tiền nhưng rất hấp dẫn. Ruột don ít nhưng nước don thơm ngon, vừa ngọt vừa thanh. Những món ăn ngon được chế biến từ don như canh don, cháo don, gỏi don.
Theo Nguyễn Đăng Lâm (Báo Tin Tức)
Du lịch, GO!
Biển Quảng Ngãi - Những nàng tiên bị bỏ quên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét