Động Hương Tích cách Hà Nội gần 70 km về phía Tây Nam. Đây là một động đẹp, trọng tâm của khu du lịch quốc gia Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức tỉnh Hà Tây nay thuộc thành phố Hà Nội.
Động Hương Tích vốn có từ thời kỳ vận động tạo sơn, được phát hiện vào thế kỷ XI và đưa vào thờ Phật từ năm 1687. Xưa kia động Hương Tích không một bóng người qua lại, cho đến khi cố Hoà thượng Vân Thuỷ Thiền Thiên Trần Đạo Viên Quang trụ trì chùa Thiên Trù nhân một chuyến vãn cảnh núi non Hương Sơn đã tìm ra cửa vào động.
< Thiên nhiên khoáng đạt nhìn từ cửa động.
Sách Dư địa chí của Phan Huy Chú chép rằng: “… Núi Hương Tích ở phía tây núi Tuyết Sơn theo khe suối đi ngược lên, leo nhiều tầng núi mới vào động. Cảnh thiên nhiên như quỷ thần tạc rất lạ và khéo, là động đẹp nhất miền Nam Hải…Tương truyền, Phật Quan Âm Bồ Tát cầm tích trượng sang phương Nam trụ trì ở đây… mỗi năm ngày xuân về thiện nam, tín nữ ở các phương đến động dâng hương…”
Tháng ba năm Canh Dần (1770), Chúa Trịnh Sâm từng tham quan động và đặt tên cho động là "Nam Thiên đệ nhất động" tức động đẹp nhất trời Nam.
< Muốn lên động Hương Tích phải đi hơn 2km đường núi, từ chùa Thiên Trù. Nhiều hàng quán do người dân mở dọc đường phục vụ du khách. Du khách cũng có thể chọn đi cáp treo lên động chỉ mất khoảng 5 phút.
Dulichgo
Nhìn toàn cảnh, động Hương Tích nhìn giống như một cái đầu Rồng đang há miệng vờn ngọc, núi Đụn Gạo là lưỡi rồng còn những khối thạch nhũ cao to trổ xuống là răng rồng…mà đuôi rồng thì ở tít núi Ái Nàng – Hang Nước. Trước cửa động nhìn sang là một ngọn núi nhỏ, tròn xinh giống như viên ngọc minh châu, thường được gọi là thung Cháu (hay một số người lại gọi lài thung Châu). Quả núi có động Hương Tích là núi cao thứ nhì trong toàn hệ thống núi rừng Hương Sơn.
Trong động có pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô với biết bao hình thù kỳ lạ: Bầu Sữa Mẹ, Hoa Phiền Não, Đụn Gạo, đụn Tiền, núi Cậu, núi Cô, Cây Vàng, Cây Bạc,...
Động còn có "đường lên trời" và "lối xuống âm phủ". Đường lên trời là một sườn đá dốc càng leo cang cao, lối xuống âm phủ là một cái khe đưa xuống hang sâu dưới đất.
Ngọn núi cao nhất ở đây là núi Bà Lồ, ở phía trước núi động Hương Tích. Nghe một số cụ già trong làng Yến Vĩ kể lại thì trước đây trên núi Bà Lồ cũng có một ngôi chùa cổ đã đổ nát.
< Vẻ đẹp kỳ ảo của nhũ đá trên trần động.
Ở bên ngoài cửa động, trước khi theo các bậc đá đi xuống, chúng ta có thể nhìn thấy một tấm bia hình vuông tạc ngay trên một phiến đá có một bài thơ vịnh Hương Sơn viết khắc bằng chữ Nho theo lối thảo cổ, nét chữ như “rồng bay phượng múa”. Đó là bài thơ của Bùi Dị - một đại thần Dương triều – xưa kia đã từng đi xứ sang Trung Quốc, trong đó có câu: “Mưa đấy, tạnh ngay đấy; Ngày lâu, tháng cũng lâu”.
Dulichgo
Cửa động Hương Tích được tạc bằng đá xanh theo từng phiến, ghép từng viên. Theo một số tài liệu của các cố Hoà thượng trụ trì chùa Hương và già lão thôn Yên Vĩ cho biết thì cửa động được xây dựng từ năm Bính Dần (1914) đến năm Đinh Mão (1918) do thợ Kiện Khê tỉnh Hà Nam được nhà chùa thuê làm cùng với sự trợ giúp của người dân làng Yến Vĩ .
Động Hương Tích là đích đến cuối cùng, sau thời gian khá dài leo núi, người hành hương đặt chân vào động như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh. Động gắn liền với rất nhiều bài thơ nổi tiếng:
Đường vào Hương Tích lượn quanh,
Nước non gấm dệt, màu xanh phủ màn.
Người Niệm Phật, khách tham quan,
Suối thanh tịnh rửa nhẹ nhàng trần duyên...
Dulichgo
Động Hương tích đã trở thành nơi thờ phật lớn nhất của di tích Chùa Hương. Nói đến Trẩy hội chùa Hương tức là nói đến chùa trong động này. Chùa có nhiều tượng quý, Đặc biệt là tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh, tạc vào thời Tây Sơn Cảnh Thịnh năm thứ hai(1793). Tượng do viên quan võ tên là Nguyễn Huy Nhật cúng tiến. Vào mùa hội tháng giêng, tháng hai hàng năm, động Hương Tích xanh um màn khói hương tỏa ra và rì rào những âm thanh hỗn hợp trầm trầm của khách hành hương.
Du lịch, GO! tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét